Bệnh Parvo ở chó

Đăng bởi Sức khỏe thú cưng

(Hình ảnh mang tính chất minh họa)

Định nghĩa

Parvo là bệnh dễ lây lan ở chó, nhưng chó chưa chủng ngừa và chó con nhỏ hơn 4 tháng dễ mắc bệnh hơn. Virus tác động lên đường tiêu hóa ở chó và lây truyền khi chó bệnh tiếp xúc trực tiếp với chó khỏe hoặc mầm bệnh có trong phân, môi trường, hoặc con người. Virus có thể nhiễm lên chuồng trại, thức ăn và nước uống, vòng cổ, dây dắt, hay tay và quần áo của người tiếp xúc với chó bệnh. Trong điều kiện bình thường, virus bền vững với nhiệt độ nóng và lạnh, độ ẩm cao hoặc khô, và có khả năng tồn tại trong môi trường trong thời gian dài. Virus vẫn có thể truyền lây từ nơi này đến nơi khác qua lông hoặc chân chó khi chúng tiếp xúc với chuồng, giày dép hay các vật dụng khác có chứa virus.

 

Triệu chứng

Triệu chứng của bệnh do parvovirus gây ra bao gồm:
•   Mệt mỏi
•   Giảm hoặc bỏ ăn
•   Đau bụng và chướng bụng
•   Sốt cao hoặc thân nhiệt thấp
•   Nôn mửa
•   Trong trường hợp nặng thường bị tiêu chảy ra phân có máu
•   Nôn mửa và tiêu chảy kéo dài sẽ gây nên tình trạng mất nước, virus gây tổn thương đến ruột và hệ miễn dịch sẽ gây ra sốc do nhiễm khuẩn. Phần lớn chó chết trong vòng 48-72 giờ từ khi có triệu chứng đầu tiên. Nếu chó có các biểu hiện trên, vui lòng đem chó đến bác sĩ thú y ngay lập tức.

 

Chẩn đoán và điều trị

Bệnh Parvo thường được chẩn đoán và điều trị dựa trên tiền sử của vật nuôi, chẩn đoán và làm xét nghiệm. Chưa có thuốc đặc hiệu để tiêu diệt virus trên chó bị nhiễm, việc điều trị chỉ giúp hỗ trợ cho đến khi hệ miễn dịch của chó đủ khả năng chống lại bệnh. Chó cần được giữ ấm, điều trị và chăm sóc ngay lập tức để chống mất nước bằng phương pháp truyền dịch, kiểm soát tình trạng ói và tiêu chảy, và ngăn ngừa nhiễm khuẩn kế phát. Việc điều trị bệnh parvo có thể tốn kém, và chó vẫn có thể chết dù được diều trị tích cực. Việc phát hiện bệnh sớm và tích cực điều trị bằng phương pháp đúng có thể đem lại tỉ lệ sống đến 90%.
Chó bệnh cần được cách li để giảm thiểu nguy cơ lây lan virus cho chó khỏe. Cần làm vệ sinh và sát trùng chuồng nuôi hoặc các khu vực sinh hoạt của chó để hạn chế lây lan virus.

 

Phòng ngừa bệnh parvovirus

Để phòng ngừa bệnh parvo ở chó, cần tuân thủ đúng lịch chủng ngừa và làm vệ sinh sạch sẽ nơi ở chủa chó. Chó con dễ bị mắc bệnh vì kháng thể tự nhiên trong sữa chó mẹ có thể không đủ để bảo vệ cho đến lúc hệ miễn dịch của chó con đủ mạnh để tự chống lại bệnh hoặc vắc xin chích vào đã bị trung hòa bởi kháng thể chó mẹ. Vì vậy chủ nuôi cần tuân theo lịch chủng ngừa của bác sĩ thú y để phòng bệnh cho vật nuôi một cách tốt nhất.

Cho đến khi chó con hoàn thành lịch tiêm chủng đầu tiên, chủ nuôi nên chú ý khi dắt chó đến công viên, lớp huấn luyện chó, các cửa hàng bán đồ thú cưng, các dịch vụ khách sạn cho chó và các tiệm cắt tỉa lông cho chó.

Chó chưa chủng ngừa không được tiếp xúc với chó bệnh hoặc chó chưa rõ lịch chủng ngừa. Người đã tiếp xúc với chó bệnh không nên tiếp xúc với chó khác, nếu phải tiếp xúc nên rửa tay (và sát khuẩn hoặc thay quần áo) trước khi tiếp xúc.

Mặc dù đã chích ngừa nhưng vẫn có 1 số ít chó không tạo được kháng thể bảo vệ nên vẫn dễ bị mắc bệnh.

Không bao giờ cho chó tiếp xúc ( ngửi, liếm,..) với phân của chó khác ở ngoài đường, công viên, sân chơi,… Hãy dọn phân của thú cưng để tránh lây nhiễm parvovirus cũng như các bệnh khác có thể gây ảnh hưởng tới con người và động vật.

Nếu chó có biểu hiện nôn mửa hoặc tiêu chảy hay đã từng tiếp xúc với chó bệnh, chủ nuôi không nên đem chó đến công viên, tiệm thẩm mỹ cho chó, khách sạn cho chó, công viên,… để tránh virus lây lan gây bệnh cho chó khác.
Nguồn: